
Khi sự thống trị bị thách thức
NVIDIA, gã khổng lồ “đội xanh”, vẫn đang ngự trị trên đỉnh cao với thị phần “khủng khiếp”, chiếm tới 92% doanh số card đồ họa rời trong 3 tháng đầu năm 2025. Con số này không chỉ thể hiện sự thống trị về mặt thương mại mà còn cho thấy 1 sự thật đã ăn sâu vào tâm trí của nhiều game thủ: NVIDIA là lựa chọn mặc định, là tiêu chuẩn vàng cho hiệu năng chơi game.
Tuy nhiên, đằng sau bức màn thành công rực rỡ đó, những vết rạn nứt đang ngày càng lớn dần. Sự thống trị này được củng cố bởi cuộc chuyển dịch chiến lược kinh doanh mang tính lịch sử của NVIDIA: tập trung nguồn lực vào thị trường trung tâm dữ liệu (data center) và trí tuệ nhân tạo (AI) siêu lợi nhuận. Phân khúc này hiện đang chiếm gần 90% tổng doanh thu của hãng, biến mảng gaming, vốn là nền tảng tạo nên tên tuổi của NVIDIA, trở thành ưu tiên thứ cấp.
Hệ quả của sự chuyển dịch này đã tác động trực tiếp đến người dùng cuối, những game thủ trung thành đã góp từng viên gạch từ xa xưa, cùng xây dựng nên đế chế của NVIDIA. Các dòng sản phẩm GeForce RTX thế hệ mới nhất, đặc biệt là ở phân khúc phổ thông và tầm trung, đang bộc lộ những điểm yếu chí mạng: mức giá ngày càng phi lý so với hiệu năng cải thiện, dung lượng VRAM bị cắt giảm có chủ đích, ngoài ra còn có những sự cố kỹ thuật, từ khía cạnh kiểm tra chất lượng, phần cứng tới phần mềm.
Trong bối cảnh đó, cơ hội vàng đã mở ra cho các đối thủ cạnh tranh: AMD, với Radeon RX 9000 Series và Intel với thế hệ Arc B Series, không chỉ đơn thuần là những lựa chọn thay thế nữa. Cả 2 thương hiệu “xanh đỏ” này đang nổi lên như những đối thủ cạnh tranh đáng gờm, tung ra những sản phẩm được thiết kế chính xác để khai thác vào những điểm yếu của NVIDIA. Không còn là cuộc chiến của kẻ yếu thách thức gã khổng lồ theo kiểu “David và Goliath”, mà đây là cuộc đối đầu chiến lược nơi giá trị, hiệu năng và nắm bắt được nhu cầu khách hàng là yếu tố quyết định.
Vết rạn đầu tiên: Giá và hiệu năng không tương xứng
Một trong những chỉ trích gay gắt nhất nhắm vào NVIDIA trong thế hệ RTX 50 Series “Blackwell” là sự mất cân đối nghiêm trọng giữa giá cả và mức cải thiện hiệu năng so với thế hệ trước. Thay vì mang lại những bước nhảy vọt về hiệu năng đồ họa tương xứng với thế hệ kiến trúc mới, NVIDIA dường như đang tận dụng vị thế thống trị của mình để tối đa hóa lợi nhuận trên mỗi sản phẩm, bất chấp giá trị mang lại cho người tiêu dùng.
Các dữ liệu benchmark độc lập trên thế giới cho thấy mẫu card cao cấp RTX 5080 chỉ mang lại mức tăng hiệu năng trung bình 6% ở độ phân giải 1920 x 1080, 9% ở độ phân giải 2560 x 1440 và 12% ở độ phân giải 3840 x 2160 so với thế hệ tiền nhiệm là RTX 4080 SUPER, trong khi vẫn giữ nguyên mức giá bán lẻ đề xuất (MSRP) là 999 USD. Mức tăng này được coi là đáng thất vọng khi RTX 5080 là bản nâng cấp thế hệ, kiến trúc, vốn được kỳ vọng sẽ có những cải thiện rõ rệt hơn. Vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn nữa khi nhìn vào thị trường thực tế: tình trạng khan hiếm hàng và đầu cơ. Các mẫu card đầu bảng như RTX 5090 và RTX 5080 gần như không thể mua được ở mức giá MSRP, bị các nhà bán lẻ lợi dụng tình trạng thiếu hụt nguồn cung rồi đẩy giá lên cao ngất ngưởng. Ngay cả ở phân khúc tầm trung, mẫu card RTX 5070 với MSRP 549 USD cũng thường xuyên được bán với giá gần 700 USD, biến nó thành lựa chọn kém hấp dẫn về mặt giá trị.
Sự tăng giá phi lý này không đi kèm với những đột phá về hiệu năng dựng hình thuần (rasterization). Thay vào đó, phần lớn các con số ấn tượng mà NVIDIA quảng cáo lại phụ thuộc nhiều vào các công nghệ độc quyền như DLSS 4 (Deep Learning Super Sampling) và tính năng tạo khung hình mới Multi-Frame Generation (MFG). Điều này có nghĩa là nếu không kích hoạt các tính năng này, mức tăng hiệu năng thực tế so với thế hệ trước là không đáng kể – sự thật thường bị che đậy bởi nhiều số liệu gây nhiễu trong các tài liệu marketing. Ngoài ra, khi giới thiệu Blackwell, NVIDIA đã sử dụng biện pháp marketing quá lố, cho rằng RTX 5070 mạnh ngang với RTX 4090, khiến cho niềm tin của người dùng gần như không còn nữa. Sự thật là NVIDIA chỉ “cố tình quên” nói rõ rằng RTX 5070 kích hoạt DLSS 4 + Multi-Frame Generation x4, còn RTX 4090 không có mà thôi.
Nguyên nhân sâu xa của chiến lược định giá này có thể dễ dàng thấy được trong báo cáo tài chính 2025 của NVIDIA. Doanh thu từ mảng gaming, dù vẫn là con số khổng lồ với 11.4 tỷ USD, đã trở nên nhỏ bé khi so sánh với doanh thu 115.2 tỷ USD từ mảng trung tâm dữ liệu và AI. Mảng AI hiện chiếm tới gần 90% tổng doanh thu của công ty, với biên lợi nhuận gộp lên đến 70.6%. Khi mảng gaming không còn là động lực tăng trưởng chính, NVIDIA không còn chịu áp lực phải cạnh tranh gay gắt về giá để giành thị phần. Họ có thể duy trì mức giá cao và chấp nhận việc các đối tác bán lẻ (AIB) đẩy giá lên cao, bởi lẽ hiệu quả kinh doanh của mảng gaming không còn mang tính sống còn đối với tình hình tài chính tổng thể của tập đoàn. Kết quả là chiến lược giá dành cho game thủ phản ánh vị thế độc quyền, tạo ra khoảng trống lớn cho các đối thủ tập trung vào tỷ lệ hiệu năng/giá thành.
Nguồn: Tinhte.vn