
Halo Effect và AI PC
Như đã nói ở phần 2, NVIDIA đang sử dụng Halo Effect như công cụ tâm lý mạnh mẽ để khách hàng dễ bỏ qua những hạn chế hay vấn đề bất hợp lý. NVIDIA đã xây dựng hình ảnh của 1 thương hiệu dẫn đầu về công nghệ, với những sản phẩm flagship luôn phá vỡ và dẫn đầu các kỷ lục hiệu năng. Vầng hào quang này lan tỏa xuống các sản phẩm cấp thấp hơn, khiến người dùng có xu hướng tin tưởng và lựa chọn card NVIDIA, thậm chí ngay cả khi các sản phẩm tầm trung không thực sự mang lại giá trị tốt nhất. Lòng trung thành với thương hiệu và nhận thức về sự “vượt trội” này đã giúp NVIDIA duy trì thị phần khổng lồ, bất chấp những chỉ trích về giá cả hay VRAM. Ngoài ra, bạn chắc hẳn đã biết về ấn tượng ổn định của driver NVIDIA từ xưa đến nay? Tuy nhiên với RTX 50 Series, 1 số rắc rối về driver dẫn tới sự cố đen màn hình hay treo máy đã xảy ra khá nhiều, trong khi NVIDIA loay hoay tìm cách khắc phục. Ví dụ này cho thấy ngay cả driver – thứ đã ăn sâu vào tiềm thức người dùng rằng NVIDIA là “vô đối” – thực tế không như những gì chúng ta nghĩ.
Khi Halo Effect liên quan tới gaming đang mờ dần, NVIDIA tiếp tục tạo ra vầng hào quang mới – AI. Thành công vang dội của NVIDIA trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu đã tạo ra nhận diện thương hiệu gắn liền với vị thế thống trị tuyệt đối về AI. Bằng cách đẩy mạnh quảng cáo các tính năng “AI” trên GPU tiêu dùng và ủng hộ khái niệm “AI PC”, NVIDIA đang cố gắng chuyển vầng hào quang từ mảng doanh nghiệp sang mảng người dùng cuối. Mục tiêu nhắm tới là chuyển trọng tâm từ các chỉ số gaming truyền thống (FPS, giá/hiệu năng, VRAM) – nơi AMD và Intel đang làm tốt hơn nhiều – sang sân chơi hiệu năng AI mới, nơi NVIDIA mặc định là thương hiệu dẫn đầu.
Tuy nhiên, khái niệm “AI PC” phần lớn là chiêu bài marketing của các nhà sản xuất để thúc đẩy chu kỳ nâng cấp mới. Hầu hết các tác vụ AI mà người dùng thông thường sử dụng đều dựa trên đám mây hoặc không yêu cầu NPU chuyên dụng. Trên thực tế, bộ xử lý AI cục bộ mạnh mẽ nhất trong 1 hệ thống PC vẫn chính là GPU – linh kiện mà cả NVIDIA, AMD và Intel đều sở hữu. Các tính năng AI hữu ích trên GPU gaming ngoài DLSS/FSR, như DLAA hay RTX HDR, đều là những cải tiến phần mềm giá trị, nhưng chắc chắn rằng chúng không định nghĩa ra 1 loại máy tính mới. Do đó, bạn cần tập trung vào các lợi ích hữu hình, có thể đo lường được trong gaming, thay vì bị cuốn theo những thuật ngữ marketing thời thượng.
Lựa chọn card đồ họa tối ưu
Trong năm 2025, nếu bạn có nhu cầu sắm cho mình 1 card đồ họa để chơi game, làm việc thì có thể tham khảo danh sách dưới đây. Những mẫu card được liệt kê không hẳn là hoàn hảo, mà có thể nó là lựa chọn tối ưu cho từng phân khúc và nhu cầu sử dụng.
Gaming 1080p: Intel Arc B580, Intel Arc B570
Với mức giá dưới 300 USD, dòng card Battlemage của Intel cung cấp hiệu năng cạnh tranh trực tiếp với RTX 4060/5060 của NVIDIA nhưng lại có dung lượng VRAM vượt trội (10 – 12GB so với 8 GB). Điều này không chỉ mang lại trải nghiệm tốt hơn ở hiện tại mà còn là sự đầu tư bền vững hơn cho tương lai, giúp card không bị lỗi thời quá nhanh khi các game mới ra mắt. Đây là lựa chọn không thể tốt hơn cho những người lần đầu xây dựng mới hệ thống máy tính để bàn hoặc có ngân sách hạn hẹp.
Gaming 1440p tần số quét cao: AMD Radeon RX 9070 XT
Ở phân khúc tầm trung quan trọng này, Radeon RX 9070 XT mang lại sự cân bằng rất tốt. RX 9070 XT có hiệu năng dựng hình thuần xuất sắc, hiệu năng ray tracing đã được cải thiện đáng kể và quan trọng nhất là dung lượng VRAM 16 GB. Mức VRAM này đảm bảo sự ổn định và khả năng “gánh” các tựa game nặng trong nhiều năm tới ở độ phân giải 1440p. So với RTX 5070 chỉ có 12 GB VRAM và giá bán thực tế cao hơn, AMD Radeon RX 9070 XT mang tới cho game thủ giá trị tổng thể vượt trội.
Tầm trung an toàn, sẵn sàng cho tương lai: AMD Radeon RX 9060 XT 16 GB, NVIDIA RTX 5060 Ti 16 GB
Đối với những khách hàng có ngân sách trong khoảng 400 – 500 USD, yếu tố quyết định là VRAM. Cả 2 lựa chọn AMD Radeon RX 9060 XT và NVIDIA GeForce RTX 5060 Ti đều cung cấp phiên bản 16 GB VRAM, đủ lớn để xử lý các tựa game AAA trong vài năm tới. Lựa chọn giữa 2 mẫu card này sẽ phụ thuộc vào giá bán thực tế tại thời điểm mua, cũng như mức chênh lệch hiệu năng nhỏ trong từng game cụ thể. Tuy nhiên, bất kỳ lựa chọn nào trong 2 card này cũng đều vượt trội hơn hẳn so với những mẫu card chỉ có 8 GB hay 12 GB VRAM về mặt giá trị sử dụng lâu dài.
Nếu chỉ thích NVIDIA thì sao?
Quảng cáo
Mặc dù có nhiều điểm yếu, NVIDIA vẫn giữ vững vị thế dẫn đầu trong 1 số lĩnh vực cụ thể. Đối với những ai ưu tiên tuyệt đối chất lượng hình ảnh ray tracing và path tracing ở mức cao nhất, hoặc người dùng chuyên nghiệp có quy trình làm việc được tối ưu hóa sâu cho hệ sinh thái CUDA (render 3D, AI/ML), các mẫu card cao cấp của NVIDIA (từ RTX 5070 Ti trở lên) vẫn là lựa chọn không thể thay thế. Tuy nhiên, người mua cần phải sẵn sàng trả 1 mức giá cao hơn đáng kể và chấp nhận những đánh đổi về dung lượng VRAM so với các đối thủ.
Tạm kết
Năm 2025 khi RTX 50 Series cũng như RX 9000 Series và Arc B Series xuất hiện đã trở thành bước ngoặt cho thị trường card đồ họa tiêu dùng. Sự thống trị tưởng chừng như tuyệt đối của NVIDIA, lần đầu tiên phải đối mặt với những thách thức nghiêm túc và có hệ thống đến từ cả AMD và Intel. Chuyển dịch chiến lược sang lĩnh vực AI dù mang lại thành công tài chính, nhưng đồng thời tạo ra khoảng trống giá trị khổng lồ trong chính thị trường gaming – nơi đã làm nên tên tuổi của đội xanh. Kỷ nguyên mà NVIDIA là lựa chọn mặc định, là kim chỉ nam cho VGA mà phần lớn game thủ nhắm tới đã thực sự kết thúc. Nhờ những cải tiến vượt bậc về cả phần cứng (hiệu năng ray tracing của AMD, nhân xử lý Battlemage của Intel) và phần mềm (bước nhảy vọt về chất lượng của FSR 4, sự ổn định của driver Intel), người tiêu dùng giờ đây có tới 3 hệ sinh thái hoàn chỉnh và đầy sức cạnh tranh để lựa chọn.
Yếu tố quyết định khi mua 1 card đồ họa tầm trung trong năm 2025 không còn chỉ là lòng trung thành với thương hiệu, hay tính năng độc quyền như DLSS. Thay vào đó, nó đòi hỏi đánh giá toàn diện về hiệu năng, tính năng, giá cả, quan trọng hơn là dung lượng VRAM đủ lớn để đảm bảo giá trị sử dụng trong nhiều năm tới. Trong bối cảnh này, việc nhìn xa hơn NVIDIA là quyết định thông minh và sáng suốt nhất. Khi thị trường cạnh tranh, người tiêu dùng sẽ hưởng lợi.
Nguồn: Tinhte.vn