
VRAM – Chiến lược cố ý ở phân khúc tầm trung
Nếu như chiến lược giá cả đã phân tích ở phần trước là 1 đòn đánh vào ví tiền của game thủ, thì cách NVIDIA xử lý dung lượng bộ nhớ video (VRAM) trên các card đồ họa tầm trung và phổ thông lại là 1 đòn khác. Nó đánh vào chính trải nghiệm chơi game và giá trị sử dụng lâu dài của sản phẩm. Đây không phải là thiếu sót vì lý do chi phí, mà là quyết định chiến lược có chủ đích nhằm phân cấp sản phẩm, thúc đẩy người dùng nâng cấp lên các dòng card đắt tiền hơn.
Bằng chứng rõ ràng nhất là việc NVIDIA ra mắt các mẫu card như RTX 5060 (MSRP 299 USD) và RTX 5060 Ti phiên bản 8 GB (MSRP 379 USD) vào năm 2025. Ở hiện tại, các tựa game AAA ngày càng “ngốn” VRAM, việc card đồ họa chỉ có 8 GB VRAM là hoàn toàn không đủ, ngay cả ở độ phân giải 1080p với thiết lập đồ họa cao. Các nhà phát triển game hiện nay thường nhắm đến 12 GB VRAM làm mức tối thiểu và 16 GB làm mức đề nghị. Đây cũng là mức VRAM tương tự kiến trúc bộ nhớ hợp nhất (unified memory) trên các hệ máy console thế hệ mới như PlayStation 5 và Xbox Series X.
Hậu quả của việc thiếu VRAM không chỉ là những con số trên giấy. Các phép thử hiệu năng chi tiết cho thấy mức chênh lệch hiệu năng quá lớn giữa các phiên bản 8 GB so với 16 GB trong các tình huống bị giới hạn VRAM. Điều này biểu hiện qua việc chỉ số 1% low FPS (khung hình thấp nhất) giảm mạnh, gây ra hiện tượng giật, khựng hình, vân bề mặt không kịp tải, hay thậm chí là treo game hoàn toàn. Trong tựa game Hogwarts Legacy ở độ phân giải 1440p với Ray Tracing, phiên bản 16 GB của RTX 5060 Ti có chỉ số 1% low FPS cao hơn tới 483% so với phiên bản 8 GB. Ngay cả mẫu RTX 5070, với mức giá không hề rẻ, cũng vẫn không làm hài lòng người dùng vì chỉ có 12 GB VRAM. Lượng bộ nhớ đồ họa này được xem là mức tối thiểu cho gaming 1440p trong năm 2025, có thể thiếu hụt hay vừa đủ trong các tựa game mới, làm giảm giá trị sử dụng lâu dài của card.
Logic đằng sau chiến lược này rất rõ ràng: mẫu card như RTX 5060 Ti có sức mạnh xử lý đủ để chơi game ở thiết lập cao tại 1080p hoặc 1440p. Tuy nhiên, bằng cách giới hạn VRAM ở mức 8 GB, NVIDIA cố ý tạo ra nút thắt cổ chai. Người dùng sẽ bị buộc phải giảm chất lượng texture hoặc tắt các tính năng “đói” VRAM như Ray Tracing – thứ đã được trả tiền để trải nghiệm. Khi gặp phải những giới hạn này, thông thường người dùng sẽ có xu hướng đổ lỗi cho card yếu và nghĩ tới giải pháp nâng cấp lên dòng xx70 cao cấp hơn. Thực tế không phải vì GPU xx60 Series quá chậm mà vì bộ nhớ đồ họa của nó đã bị giới hạn. Đây là hình thức lỗi thời có kế hoạch, đảm bảo các dòng card tầm trung có vòng đời sử dụng ngắn hơn, từ đó thúc đẩy chu kỳ nâng cấp và tối đa hóa lợi nhuận trên từng phân khúc thị trường. Giờ đây, card đồ họa 8 GB không chỉ là sản phẩm có giá trị kém, nó còn là công cụ marketing để làm cho phiên bản 16 GB và các dòng card cao cấp hơn trở nên hấp dẫn hơn trong mắt khách hàng.
Rắc rối phần cứng và “Halo Effect” mất tác dụng
Bên cạnh các vấn đề về giá cả và VRAM, uy tín của NVIDIA còn bị ảnh hưởng bởi những rắc rối phần cứng dai dẳng, chưa thể giải quyết triệt để. Ngoài ra, lợi thế tâm lý quan trọng từ “Halo Effect” hay “hiệu ứng hào quang” dần mất tác dụng.
Vấn đề nổi cộm nhất tính tới hiện tại vẫn là sự cố chảy đầu nguồn phụ 12VHPWR và phiên bản kế nhiệm của nó – 12V-2×6. Mặc dù đã có những cải tiến, việc đầu nối bị quá nhiệt và chảy nhựa, ảnh hưởng tới card đồ họa vẫn tiếp tục xuất hiện, đặc biệt trên các mẫu card công suất cao như RTX 4090 và RTX 5090. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này rất phức tạp, từ việc thiết kế không có đủ biên độ an toàn cho mức tiêu thụ điện năng cực lớn (500 – 600 W), những thiếu sót trong thiết kế của đầu Micro-Fit khi phải xử lý dòng điện cường độ cao (hàng chục A), thêm vào đó là việc không tính đến các đợt tăng đột biến công suất của GPU hiện đại. Tình hình nghiêm trọng đến mức các đối tác AIB như Galax đã phải tích hợp hệ thống đèn cảnh báo, giống như “vòng tròn đỏ của tử thần” (red ring of death) trên Xbox 360, để báo hiệu cho người dùng về kết nối không đúng cách hoặc sự cố cấp nguồn. Rõ ràng đây chỉ là cách xử lý triệu chứng từ ngọn thay vì giải quyết tận gốc vấn đề. Nó cũng cho thấy NVIDIA đang loay hoay không có cách giải quyết triệt để, thống nhất từ khía cạnh là đơn vị đưa ra chuẩn 12VHPWR hay 12V-2×6.
Rắc rối phần cứng ở nguồn phụ 12V-2×6 còn làm ảnh hưởng đến “hiệu ứng hào quang” của NVIDIA. “Halo Effect” là 1 thiên kiến nhận thức, trong đó ấn tượng tích cực về 1 khía cạnh (chẳng hạn như 1 sản phẩm đầu bảng vượt trội) sẽ ảnh hưởng đến nhận thức chung về toàn bộ thương hiệu. Trong suốt nhiều năm lịch sử, NVIDIA đã hưởng lợi rất nhiều từ hiệu ứng này. Các mẫu card flagship như Titan, xx80 Ti, hay xx90 luôn được xem là đỉnh cao công nghệ, tạo ra vầng hào quang khiến các sản phẩm ở phân khúc thấp hơn như xx70, xx60 cũng trở nên đáng mơ ước và đáng tin cậy hơn trong mắt người dùng.
Giờ đây, vầng hào quang đó đang dần mất tác dụng từ cả 2 phía. Ở phân khúc cao cấp, các sản phẩm flagship (RTX 4090/5090) lại gắn liền với nguy cơ cháy đầu nguồn phụ 12V-2×6, có khả năng hư hỏng lớn. Còn ở phân khúc phổ thông, nơi tạo ra doanh số lớn nhất, các sản phẩm tầm trung (xx60/xx70) lại có giá bán không tương xứng với hiệu năng mang lại, đồng thời cũng bị giới hạn VRAM quá vô lý. Khi sản phẩm “đáng khao khát” ở phân khúc cao cấp thì có thể bị lỗi, còn sản phẩm “dễ tiếp cận” ở phân khúc phổ thông thì có giá trị kém, người tiêu dùng sẽ có xu hướng đánh giá lại các sản phẩm của NVIDIA theo cách khắt khe và độc lập hơn. Họ không còn nhìn chúng qua lăng kính màu hồng của 1 thương hiệu có những sản phẩm đầu bảng hoàn hảo. Chính yếu tố này khiến khách hàng cởi mở hơn khi nghĩ tới các lựa chọn thay thế cạnh tranh từ AMD và Intel. Những gót chân Achilles trên không đến từ bên ngoài mà chính NVIDIA đã từng bước tạo ra nó.
Nguồn: Tinhte.vn